Đối với các căn hộ có diện tích nhỏ, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, cách sắp xếp đồ đạc cho nhà có diện tích nhỏ đóng vai trò quan trọng để giúp cho ngôi nhà có cảm giác rộng hơn. Dưới đây là gợi ý của Tiện Nghi VN:
Tận dụng tối đa lợi thế tủ âm tường và các hốc trống trong nhà
Tủ âm tường tiết kiệm được rất nhiều không gian và là nơi chứa đồ (và giấu đồ) tuyệt vời. Tủ âm tường có thể được thiết kế để đặt trong phòng ngủ, hành lang hoặc phòng giặt. Bạn cũng có thể biến các góc, hốc trống trong nhà thành những nơi chứa đồ rất đẹp và sáng tạo nữa, ví dụ như chân cầu thang có thể biến thành giá sách chẳng hạn.
Sử dụng các màu sáng và hoạ tiết hình học để tạo cảm giác nhà rộng hơn
Hãy sơn tường nội thất bằng các màu sáng, trung tính để không gian có cảm giác thoáng đãng hơn. Các màu sắc mạnh và tối sẽ khiến ngôi nhà trở nên chật chội. Lát nền nhà tắm, gạch trong nhà bếp bằng các viên gạch hoạ tiết hình học sẽ giúp mở rộng tầm mắt và “ăn gian” thêm chiều sâu, chiều rộng của ngôi nhà.
Giữ cho mọi thứ ngăn nắp
Mọi đồ vật đều có vị trí của nó. Vì thế bạn hãy cố gắng giữ cho mọi thứ về đúng vị trí và lên lịch dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc hàng tuần để giữ cho nhà luôn ngăn nắp, trông sẽ thoáng hơn. Nơi thường xuyên được sử dụng nhất và cũng dễ bừa bộn nhất là phòng giặt, nhà tắm và nhà bếp. Bạn cũng có thể bố trí các kệ treo trên nắp máy giặt để chứa đồ giặt và chậu để đồ bẩn cũng như các kệ treo để chai lọ, bột giặt, hoá chất trong bếp.
Việc để các loại hoá chất trong tầm với một cách gọn gàng không chỉ giúp căn nhà bạn trông ngăn nắp mà còn giúp bạn dọn dẹp nhà tắm, vệ sinh máy giặt, lau chùi bếp ngay sau khi đun nấu xong một cách nhanh chóng. Bí quyết ở đây là bạn càng để ít đồ đặt dưới đất, bạn sẽ càng dễ dọn dẹp, hút bụi và làm cho nhà rộng rãi hơn. Bạn có thể tham khảo thêm tại đây mẹo dọn nhà, vệ sinh máy giặt, vệ sinh thiết bị nhà bếp đơn giản cho không gian nhà mình luôn thoáng, sạch đẹp nhé.
Sử dụng các đồ nội thất 2 trong 1
Trong một không gian hẹp, các đồ nội thất 2 chức năng nên được tận dụng tối đa. Ví dụ như giường gấp thông minh có thể gấp lại khi không sử dụng đến, hay giường tầng/bàn học, hay sofa giường, v…v.
Tối giản hoá theo phong cách Minimalism
“Minimalism” – phong cách nội thất tối giản hoá – được các chủ nhân của những ngôi nhà diện tích hẹp rất ưa chuộng. Phong cách thiết kế Minimalism này vừa đơn giản, tinh tế mà lại thân thiện với môi trường. Nguyên tắc cơ bản nhất của phong cách tối giản hoá là “chỉ giữ lại những thứ thật cần thiết”. Nên soạn lại đồ đạc, đặc biệt là tủ quần áo mỗi năm để “thanh lọc” lại ngôi nhà.
Nếu bạn là người nghiện mua sắm và thích chất đống đồ đạc trong nhà, bạn có thể bắt đầu “lọc” đồ đạc bằng cách:
- Cho, tặng hoặc bán lại những món quần áo ít được dùng đến. Hãy chỉ mua sắm những món đồ thật cần thiết và phối hợp được nhiều phong cách khác nhau.
- Thay vì treo hết quần áo trong tủ, hãy bố trí các ngăn, kệ đặt dưới gầm giường để chứa các món đồ nhỏ như tất, đồ lót, khăn, giày dép, v…v. Và cân nhắc giá treo quần áo thay vì tủ quần áo to đồ sộ vì nó vừa chiếm diện tích, vừa khiến bạn mua sắm nhiều hơn!
- Phòng tắm nên tối giản tối đa, không nên để quá nhiều ngăn kệ vì nó càng khiến không gian trở nên hẹp hơn.
Dành chỗ cho cây xanh trong nhà để lọc không khí
Cây xanh vừa giúp thư giãn mắt lại có tác dụng lọc không khí trong nhà. Nếu phòng bạn có cửa sổ hay nơi nắng có thể vào, hãy treo hoặc đặt vài chậu cây trong nhà để làm dịu không gian.